Chiều 22/11, tại Hà Nội, Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách và quản lý thuế, hải quan, logistics” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế đạt nhiều kết quả

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho biết, quản lý thuế là lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong quản lý tài chính nhà nước, bởi lẽ thuế nội địa và thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hai lĩnh vực chủ yếu của thu ngân sách nhà nước.

Quản lý thuế không chỉ đảm bảo nguồn thu để Nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, mà còn có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Quản lý thuế tốt giúp giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Chia sẻ về chuyển đổi số trong quản lý thuế ở Việt Nam, PGS.TS Lê Xuân Trường cho hay, kết quả của quá trình chuyển đổi số trong quản lý thuế là sự giảm thiểu khối lượng công việc xử lý dữ liệu của cơ quan thuế, giảm nhân lực quản lý, giảm các chi phí hành chính khác gắn với nhân lực quản lý. Trong khi chi phí quản lý thuế giảm rất nhiều ở mô hình mới thì hiệu suất quản lý thuế được nâng cao, nghĩa vụ thuế được xác định kịp thời và chính xác gắn với thời gian thực và hoạt động tự nhiên của người nộp thuế.

Theo Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2020 của Tổng cục Thuế, đã có 809.307 doanh nghiệp (DN) tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,9% trên tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ thuế điện tử với cơ quan thuế là 800.007 DN, đạt tỷ lệ 98,76% trên tổng số 809.307 DN đang hoạt động. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 798.101 DN, đạt 98,52%...

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng bắt đầu triển khai hóa đơn điện tử. Cụ thể, ngày 12/9/2018, Bộ Tài chính tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với lộ trình chính thức áp dụng hóa đơn điện tử với gần như 100% người nộp thuế từ ngày 1/11/2020. Lộ trình này, sau đó được điều chỉnh lùi lại đến ngày 1/7/2022...

Khuyến nghị để đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế thời gian tới

PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, chuyển đổi số cần thời gian tương đối dài, vì đây là một cuộc cách mạng về mô hình và cách thức quản lý thuế gắn với ứng dụng kỹ thuật số và các công nghệ hiện đại. Vì vậy, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam thời gian tới cần thực hiện lộ trình như sau: Từ năm 2021 - 2025, đây là giai đoạn chuẩn bị điều kiện cần thiết và từng bước chuyển đổi số. Trong giai đoạn này, cần số hóa toàn bộ hồ sơ, dữ liệu về quản lý thuế, kể cả các thủ tục trình và ra các quyết định quản lý thuế cũng chuyển dần sang phương thức giao dịch điện tử với hồ sơ điện tử, duyệt và ký điện tử.

Chuyển dần tất cả các thủ tục thuế với tất cả các sắc thuế từ thủ tục giấy sang thủ tục điện tử. Phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ các thủ tục thuế thực hiện bằng phương thức điện tử và toàn bộ các quyết định quản lý thuế là văn bản điện tử; triển khai thành công hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử trong hoạt động kinh doanh của người nộp thuế.

Giai đoạn này cũng tiến hành đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ công chức thuế đáp ứng tốt yêu cầu chuyển đổi số và chuẩn bị cơ cấu lại nguồn nhân lực giữa các bộ phận trong cơ quan thuế...

Từ năm 2026 - 2030 là giai đoạn bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi số, bao gồm hàng loạt các vấn đề phải triển khai. Trên phương diện phương pháp quản lý và công nghệ quản lý, cần dần dần chuyển đổi từ hệ thống người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế gắn với xử lý dữ liệu tập trung tại cơ quan thuế, sang hệ thống tự tính thuế của hệ thống công nghệ thông tin gắn với các hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế theo theo thời gian thực của mỗi hoạt động…

Từ năm 2031 trở đi, là giai đoạn hoàn thiện và nâng cấp chuyển đổi số trong quản lý thuế ở Việt Nam.

Còn theo Ths. Nguyễn Mai Hảo - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), để tiếp tục hiện đại hoá và ứng dụng sâu rộng hơn chuyển đổi số vào quản lý thuế, trong thời gian tới, Nhà nước cần ban hành và bổ sung những điều khoản mới trong luật thuế liên quan đến chuyển đổi số trong quản lý thuế, chẳng hạn về tính bảo mật, riêng tư, các thuật ngữ về công nghệ, trách nhiệm giữa người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.

Đồng thời, thể chế quản lý thuế cần được hoàn thiện trong một số lĩnh vực trọng yếu như: chống chuyển giá, kinh tế số; kinh tế chia sẻ; sản xuất thông minh; giao dịch xuyên biên giới; đại lý thuế.

Cùng với đó, việc áp dụng công nghệ mới vào quản lý thuế cần phải được lên kế hoạch, mô hình hóa và thử nghiệm cẩn thận. Tổng cục Thuế cần xác định các công nghệ chính, cốt lõi ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý thuế hiện nay cần tập trung phát triển, đó là dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây…/.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi về mọi khía cạnh lý luận và thực tiễn phát sinh trong quá trình quản lý thuế, quản lý hải quan và quản trị logistcs để đóng góp những ý kiến hữu ích nhất trên phương diện khoa học cho công tác quản lý thực tiễn của ngành Tài chính, của cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, các đại lý thuế, đại lý làm thủ tục hải quan, các doanh nghiệp logistics.

Ban tổ chức đã nhận được 27 bài viết của các nhà khoa học, nhà quản lý gửi đăng kỷ yếu hội thảo với nội dung về rất nhiều vấn đề quan trọng, cả lâu dài và cấp bách trong lĩnh vực thuế, hải quan và logistics.