Chuyên mục chính

Hoạt động qua ảnh
Ảnh-30-08-2020-20-img0 Ảnh-30-08-2020-20-img1 Ảnh-30-08-2020-20-img2 Ảnh-29-07-2018-11-img0 Ảnh-05-04-2018-23-img0 Ảnh-23-08-2017-15-img0 Ảnh-23-08-2017-15-img0 Ảnh-21-08-2017-10-img0 Ảnh-27-09-2016-21-img0 Ảnh-27-09-2016-21-img1

Thứ hai, 19/07/2021 - 14:47

PGS, TS Lê Xuân Trường: Dự thảo chiến lược đã nhấn mạnh rõ các mục tiêu điều tiết vĩ mô nền kinh tế của hệ thống thuế

PGS, TS Lê Xuân Trường: Dự thảo chiến lược đã nhấn mạnh rõ các mục tiêu điều tiết vĩ mô nền kinh tế của hệ thống thuế

 
 

Quan điểm của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 lần này xác định rõ "Thuế, phí, lệ phí là công cụ của Nhà nước góp phần quản lý, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, động viên được các nguồn lực đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững; góp phần đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo nhiệm vụ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội". Dưới góc độ nghiên cứu, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS, TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế-Hải quan (Học viện Tài chính)

Đây là quan điểm đúng đắn được kế thừa và phát triển trên cơ sở các quan điểm hiện nay về cải cách hệ thống thuế. Các quốc gia trên thế giới đều sử dụng thuế như một công cụ quan trọng hàng đầu để điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Thực tế 30 năm cải cách thuế đã chứng minh, nếu được nghiên cứu áp dụng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn thì thuế, phí, lệ phí là công cụ rất quan trọng trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Điểm mới thể hiện sự phát triển về quan điểm trong Dự thảo Chiến lược cải cách hệ thống thuế lần này là nhấn mạnh rõ các mục tiêu điều tiết vĩ mô nền kinh tế mà hệ thống thuế phải hướng tới là toàn diện, cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh.

So với Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, theo ông đâu là những điểm nổi bật của dự thảo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030?

Có một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030. Một là, chiến lược lần này tách riêng quan điểm chiến lược và mục tiêu chiến lược chứ không trình bày ghép như giai đoạn 2011-2020. Trong đó, các quan điểm mới bổ sung cho chiến lược là nhấn mạnh rõ các mục tiêu điều tiết vĩ mô nền kinh tế của hệ thống thuế; xác định rõ hệ thống chính sách thuế phải đồng bộ, hợp lý; chỉ rõ các hướng cải cách trọng điểm là mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính trung lập và sự thống nhất của chính sách thuế; nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế cho người nộp thuế.

Hai là, trong mục tiêu tổng quát cải cách hệ thống thuế đã bổ sung mục tiêu nâng cao hiệu quả của hệ thống thuế cả trên phương diện cơ quan thuế và người nộp thuế bằng cách quản lý theo phương pháp rủi ro, dựa trên nên tảng thuế điện tử, đáp ứng yêu cầu thực tế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Ba là, trong mục tiêu cụ thể về cải cách chính sách thuế đã xác định rõ các định hướng và yêu cầu quan trọng là: mở rộng cơ sở thuế; đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa thuế trực thu và gián thu; khai thác tốt nguồn thu từ thuế liên quan đến tài sản; đảm bảo tính ổn định của nguồn thu kể cả trong bối cảnh có sự thay đổi của nền kinh tế vĩ mô.

Bốn là, nhấn mạnh trọng tâm cải cách quản lý thuế là nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, quản lý rủi ro với định hướng xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung và cung cấp dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế.

Năm là, so với chiến lược giai đoạn 2011 – 2020, chiến lược cải cách hệ thống thuế lần này đề ra các chỉ tiêu phấn đấu về quản lý thuế bao quát toàn diện các nội dung và chức năng quản lý thuế. Trong đó, cụ thể hóa các chỉ tiêu về phát triển thuế điện tử; kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, miễn thuế và giảm thuế điện tử…

Sáu là, các giải pháp cụ thể về cải cách hệ thống thuế với từng sắc thuế trong giai đoạn 2021 – 2030 tập trung chủ yếu vào việc khắc phục các hạn chế, bất cập của hệ thống thuế hiện hành và tiếp tục cải cách trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số. Theo đó, nội dung cải cách cụ thể của từng sắc thuế có khác nhau nhưng các định hướng chủ yếu là: mở rộng cơ sở thuế; sửa đổi, bổ sung căn cứ và phương pháp tính thuế theo hướng chống xói mòn cơ sở thuế; chống thất thu thuế đối với các lĩnh vực kinh doanh mới như thương mại điện tử, kinh tế số; sửa đổi chính sách ưu đãi thuế để thúc đẩy kinh tế phát triển theo định hướng của Nhà nước; lựa chọn mức thuế suất và các chính sách ưu đãi thuế, nhằm thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

Khác với giai đoạn 2011-2020, lần này dự thảo Chiến lược cải cách hệ thống thuế 2021-203 đã đề cập đến các chính sách thuế liên quan đến tài sản, trong đó nhấn mạnh "Tăng mức điều tiết đối với đất, thu thuế đối với nhà và một số tài sản khác, nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất, tài sản có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho NSNN, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế". Ông bình luận gì về nội dung này?

Trong những năm cải cách thuế đã qua, chúng ta đã cải cách chính sách thuế đối với đất đai và tài sản nhưng chưa đạt kỳ vọng. Thuế chưa thực sự là công cụ hữu hiệu để khuyến khích sử dụng đất đai hiệu quả; chưa góp phần tích cực hạn chế đầu cơ đất đai. Một trong những bất cập đã được nhận diện là mức độ điều tiết đối với thu nhập liên quan đến đất, nhà và các tài sản khác còn khá thấp.

Do vậy, định hướng này đặt ra trong dự thảo chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 là cần thiết và đúng đắn. Thêm vào đó, hiện nay Ban Chấp  hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đang nghiên cứu tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”.

Những kết quả tổng kết bước đầu cho thấy, trong điều kiện mới, cần tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, trong đó có chính sách thuế đối với đất đai. Trong báo cáo chuyên đề chính sách tài chính đối với đất đai mà Học viện Tài chính thực hiện nhiệm vụ do Ban Kinh tế Trung ương giao, trên cơ sở đánh giá thực tiễn Việt Nam và thông lệ cũng thấy rằng, cần tăng mức độ điều tiết đối với đất đai cũng như sửa đổi căn cứ tính thuế để thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và hạn chế đầu cơ.

Ông có góp ý gì thêm đối với chiến lược cải cách lần này, đặc biệt là nội dung cải cách các chính sách thuế để phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội trong nước và hội nhập quốc tế?

Bản dự thảo chiến lược cải cách thuế lần này rất toàn diện, sâu sắc, phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế hiện nay và những năm tới và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước, cũng như định hướng cải cách nền hành chính Nhà nước. Tuy vậy, theo tôi, có một vài vấn đề có thể cân nhắc để hoàn thiện thêm. Trước hết, trong quan điểm định hướng nên bổ sung quan điểm “Sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách thuế và quản lý thuế đáp ứng những thay đổi của nền kinh tế trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Bởi lẽ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và sẽ làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh; phương thức quản lý sản xuất, kinh doanh và phương thức quản lý của các cơ quan chính phủ nên cải cách hệ thống thuế phải được đặt trong bối cảnh đó thì mới đảm bảo sự tương thích giữa phương thức quản lý và chủ thể với đối tượng quản lý.

Bên cạnh đó, trong giải pháp cải cách các chính sách thuế cụ thể cần bổ sung vấn đề sửa đổi, bổ sung căn cứ tính thuế và quản lý thuế nhằm kiểm soát và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh tế ngầm; kinh tế chia sẻ (dự thảo hiện hành đã đề cập đến quản lý thuế đối với kinh tế số và giao dịch xuyên biên giới).

Cuối cùng là cần bổ sung thêm một chủ trương là “sửa đổi, bổ sung chính sách thuế và thủ tục về thuế theo hướng giảm thiểu khác biệt giữa chuẩn mực và chế độ kế toán DN với quy định pháp luật thuế để tạo thuận lợi cho hoạt động kê khai, xác định nghĩa vụ của người nộp thuế”. Do thuế và kế toán là hai công cụ quản lý khác nhau với những mục tiêu khác nhau, nên sự khác biệt  là không thể tránh khỏi. Tuy vậy, thu hẹp khác biệt để tạo thuận lợi cho hoạt động kê khai thuế, xác định nghĩa vụ của người nộp thuế là việc cần làm và có thể làm được dựa trên cơ sở nghiên cứu những điểm chung có thể đáp ứng của từng lĩnh vực đối với từng công cụ quản lý./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!    

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/dien-dan/pgs-ts-le-xuan-truong-du-thao-chien-luoc-da-nhan-manh-ro-cac-muc-tieu-dieu-tiet-vi-mo-nen-kinh-te-cua-he-thong-thue

Số lần đọc: 1293
Các bài đã đăng
Tin phản hồi
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Ảnh hoạt động  |  Liên hệ  |  Trang TT HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA THUẾ - HẢI QUAN  
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Chịu trách nhiệm chính:Ths. Ngô Vút Bổng - Phó Giám đốc (PT) Trung tâm Thông tin
Địa chỉ: Học viện Tài chính, đường Lê Văn Hiến, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại: | Fax:
E-mail: khoathue-hq@hvtc.edu.vn | Website: http://www.hvtc.edu.vn/khoathue
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà