Nhu cầu nhân lực trong ngành logistics ở Việt Nam trong những năm tới
Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hướng tới xu thế hội nhập quốc tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đòi hỏi phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cả về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh chuyên ngành. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực trong ngành logistics còn yếu và thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng. Theo nghiên cứu của VLA, chỉ tính riêng nguồn nhân lực cho các công ty logistics (không bao gồm các công ty vận tải thủy, bộ, biển, hàng không, chuyển phát nhanh, cảng thuần túy) từ nay tới năm 2030 sẽ cần đào tạo mới và bài bản 250.000 nhân sự. Nhiều vị trí khan hiếm nhân lực từ lãnh đạo - quản trị tới quản lý, giám sát và cả nhân viên chuyên nghiệp.
Nhu cầu đào tạo logistics sơ bộ như sau:
Có 3.000 doanh nghiệp logistics, trung bình mỗi công ty 20 nhân sự, mức tăng trưởng nhân sự bình quân 7,5% (5-10%). Mức tăng trưởng nhân sự này được nhận định thấp hơn mức tăng trưởng ngành 15-20% vì đã xét đến mức ứng dụng công nghệ cũng như nâng cao hiệu quả quản lý.
Xét mức tăng trưởng 7,5% về nhân sự trong 15 năm (2016 - 2020), số lượng nhân sự cần đào tạo sẽ là 3.000 x 20 x (1+0.075)^15 = 177.532 nhân sự.
Nếu tính thêm lực lượng tại các công ty vận tải thủy, bộ, biển, hàng không, chuyển phát nhanh, cảng, ga hàng hóa, có khoảng 200 công ty, mỗi công ty trung bình có 400 người, tỷ lệ qua đào tạo 50%, mức tăng trưởng 5%/năm thì sẽ cần đào tạo thêm ít nhất 100.000 người nữa trong cùng thời gian nêu trên. Tổng cộng là 350.000 người.
- Nhân lực cho các công ty sử dụng dịch vụ:
Các nhà sản xuất, thương mại, dịch vụ quy mô trung bình 100 nhân viên thì cần có ít nhất 4 người về logistics (quản lý xuất nhập khẩu, mua hàng, kho hàng, vận tải, phân phối), tỷ lệ nhân lực logistics trong công ty sử dụng dịch vụ là 4%. Tính cho 350.000 doanh nghiệp trong số hơn 700.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, mỗi doanh nghiệp có 30 người, tỷ lệ qua đào tạo logistics (hoặc gần với logistics) là 50% thì số người cần đào tạo hiện nay cũng lên tới 210.000 người.
Nếu tính tới tỷ lệ thuê ngoài logistics còn thấp, các công ty còn tự làm nhiều công đoạn, mức tăng trưởng nhu cầu là 5%/năm thì trong 15 năm tới các nhà sản xuất, thương mại, dịch vụ Việt Nam cần thêm 157.500 nhân sự nữa.
Như vậy ước tính trong 15 năm tới Việt Nam cần đào tạo (350.000 + 210.000 + 157.500) = 717.500 nhân sự logistics các cấp.